A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu tôm sang thị trường EU: Những đều cần biết

Theo thông tin từ trang điện tử của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (http://www.trungtamwto.vn) do Thương vụ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg và EU thực hiện thông tin Xuất khẩu tôm sang thị trường EU: Những đều cần biết”.

EU là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới trong khi sản xuất nội khối không đáp ứng đủ nhu cầu. Doanh nghiệp từ các nước nuôi tôm đang phát triển có thể thu được nhiều lợi nhuận nhờ xuất khẩu tôm sang thị trường EU. Doanh nghiệp xuất khẩu tiềm năng Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về phương thức đáp ứng các tiêu chuẩn của EU sau đây nếu muốn thâm nhập thị trường này:

1. Các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản

Thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu an toàn và sức khỏe theo quy định trước khi vào thị trường EU. Tôm chỉ có thể xuất khẩu vào EU nếu chúng đến từ các quốc gia được cấp phép, được đánh bắt bởi các tàu được cấp phép (tôm hoang dã) hoặc được nuôi tại các trang trại có đăng ký, được cấp các chứng nhận sức khỏe phù hợp, và vượt qua được bộ phận kiểm tra biên giới của EU.

Để đáp ứng được tất cả các yêu cầu nêu trên, các nhà xuất khẩu cần lưu ý một số vấn đề như sau:

- Quốc gia xuất khẩu cần nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Danh sách này dựa trên một đánh giá của Văn phòng Thú y và Thực phẩm EU về sự phù hợp của quốc gia đó với các tiêu chuẩn sức khỏe của EU liên quan tới thủy sản bao gồm cả các loại tôm.

- Tôm có thể nhập khẩu vào EU nếu được đánh bắt, bảo quản và chế biến tại các cơ sở được cấp phép (bảo quản lạnh, xưởng, nhà máy chế biến và tàu chuyên chở có hệ thống đông lạnh). Các cơ sở này phải được kiểm tra và cấp phép bởi các cơ quan của Chính phủ (ví dụ : Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Thương mại…).

- Tôm cần có chứng nhận sức khỏe phù hợp với các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Châu Âu. Chứng nhận này được cấp bởi Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu. Khi lô hàng được chuyển đến EU, các nhân viên Thú y sẽ kiểm tra tôm (ví dụ như giấy tờ, nhận dạng và kiểm tra trực tiếp) và các giấy chứng nhận tại một điểm kiểm tra biên giới. Khi các kết quả từ cuộc kiểm tra này đáp ứng yêu cầu, tôm của nhà xuất khẩu đó sẽ được phép đưa vào thị trường EU.

- Để đảm bảo thực phẩm bán tại thị trường EU là an toàn và không chứa chất phụ gia có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người, việc xuất khẩu thực phẩm vào EU phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Các loại thủy sản có những giới hạn về dư lượng tối đa các kim loại nặng (than chì, catmi, thủy ngân), dioxins và các chất tương tự thuộc các nhóm hóa học PCB và PAH.

- Đối với tôm nuôi, EU có một số quy định về kiểm soát bã thuốc thú y. Các quốc gia phải cung cấp một kế hoạch kiểm soát hàng năm về bã thuốc thú y cho EU và phải được EU chấp thuận trước khi xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi vào thị trường EU.

2. Ngăn ngừa đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Để ngăn chặn, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm thủy sản đánh bắt không đăng ký, không báo cáo và bất hợp pháp vào thị trường EU, các nhà xuất khẩu cần có chứng nhận đánh bắt được chứng minh rằng các quy định quản lý và bảo tồn quốc tế được tôn trọng. Chứng nhận này phải được đệ trình lên các cơ quan chức năng của Châu Âu trong vài ngày trước khi các sản phẩm xuất khẩu đến biên giới của EU. Chứng nhận phải được cấp phép bởi chính quyền nước có tàu đánh bắt đó.
Các quốc gia xuất khẩu thủy sản phải có một hệ thống đảm bảo rằng các tàu cá tuân thủ các luật bảo tồn, kiểm soát, đồng thời cần tiến hành các hoạt động kiểm tra định kỳ để đảm bảo hệ thống này hoạt động hiệu quả. Để đảm bảo các hệ thống kiểm soát hoạt động hiệu quả và đảm bảo các sản phẩm đánh bắt nghề cá được giảm sát khi vào EU, các tàu đánh bắt không thuộc EU phải thực hiện các hoạt động cập cảng và chuyển hàng tại các cảng được quy định của Châu Âu.

3. Dán nhãn thủy sản

Các quy định dán nhãn thực phẩm của EU đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định thông thái khi mua thực phẩm. Để giúp họ lựa chọn, các nhãn thực phẩm phải trình bày một số thông tin nhất định như:

- Tên sản phẩm. Theo quy định của EU, tên của thực phẩm phải là tên thường gọi và có mô tả về thực phẩm. Một tên thương hiệu hoặc tên ưa dùng có thể được sử dụng nhưng nhãn cần có tên khoa học về giống loài. Các phương pháp xử lý đặc biệt hoặc điều kiện bảo quản thực tế của sản phẩm (đông lạnh sâu, xông khói...) cũng cần được bổ sung để khách hàng không nhầm khi không có các thông tin đó.

- Danh sách các thành phần, bao gồm cả các chất phụ gia. Thông tin về các chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng và kích ứng cần phải được nêu ra.

- Trọng lượng tịnh của các thực phẩm trước đóng gói theo các đơn vị hệ mét (mét, mét vuông, mét khối).

- Ngày khuyến nghị mà đến thời điểm đó sản phẩm vẫn giữ được các đặc tính chuyên biệt, trình bày dưới dạng ngày, tháng, năm cùng với cụm từ “best -before”. Đối với các thực phẩm dễ phân hủy, ngày lưu giữ tối thiểu phải được thay thế bằng ngày sử dụng (“use - by”).

- Các điều kiện đặc biệt về bảo quản và sử dụng.

- Tên và số kiểm định thú y của nơi mà sản phẩm được đánh bắt, bảo quản và chế biến.

- Tên hoặc tên kinh doanh và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đơn vị đóng gói hoặc người bán có trụ sở tại EU.

- Nguồn gốc xuất xứ.

- Số lô đánh dấu trên sản phẩm trước đóng gói với ký hiệu bắt đầu là chữ “L” để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc.

Đối với các sản phẩm nghề cá, nhãn dán cũng phải có các thông tin:

+ Tên khoa học và thương mại của các loài cá.

+ Phương pháp sản xuất (đánh bắt ở Biển, nước ngọt hoặc nuôi ) theo các thuật ngữ chuyên môn chính thức.

+ Khu vực đánh bắt. Nếu ở Biển, một trong các khu vực quốc tế được xác định bởi Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm cũng phải được nêu ra. Nếu bắt ở vùng nước ngọt, quốc gia xuất xứ cũng cần được nêu ra. Đối với các sản phẩm nuôi, quốc gia liên quan cũng cần được đề cập.

Đối với các loài tôm Crangon và Pandalus borealis, nhãn dán phải nêu tên quốc gia xuất xứ bằng chữ cái Latin cũng như tên khoa học và tên thương mại, diễn giải, các thông số về kích thước và độ tươi, trọng lượng tịnh bằng kg, ngày phân loại và đóng gói, tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu. Các lô hàng phải bao gồm các sản phẩm cùng kích thước và độ tươi tương đồng. Các thông số về độ tươi, kích thước và diễn giải cần phải được đánh dấu rõ ràng và không thể bị tẩy xóa trên nhãn dán của lô hàng.

Thông tin phải có trên kiện hàng hoặc trên một nhãn dán đính kèm với sản phẩm chưa đóng gói. Nhãn dán phải dễ hiểu, dễ nhìn, rõ ràng và không bị tẩy xóa.
Nó phải được sử dụng bằng một ngôn ngữ dễ hiểu đối với người tiêu dùng. Thông thường điều này có nghĩa là các ngôn ngữ chính thức tại quốc gia EU nơi mà sản phẩm được giao dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuật ngữ và diễn đạt bằng tiếng nước ngoài dễ hiểu cho người mua có thể được chấp nhận.

Để biết thêm các thông tin liên quan như danh sách các quốc gia được cấp phép, các mẫu chứng nhận, danh sách cảng được chỉ dịnh, danh sách các vùng biển quốc tế được đánh bắt những loại hải sản nhất định..., các nhà xuất khẩu có thể tham khảo thông tin chính thức của EU trên trang web: www.exporthelp.europa.eu./.

TBT Bạc Liêu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BẠC LIÊU